Cha mẹ bạo lực, con lãnh đủ (P2)

Phần 2: Nỗi khổ của cha mẹ – Những vết cào năm tháng

Tôi nhìn thấy nhiều người mẹ đến chỗ tôi vừa nói vừa khóc trong nước mắt: em rất hối hận, em đánh con xong thì hối hận, chị bảo em làm gì đây?

Cảm xúc của chúng ta, thực ra không phải là không kiểm soát được, bởi bạn đâu có gan đánh mẹ chồng, mẹ vợ? Đâu có gan đánh sếp, cũng đâu có gan đánh người ngoài to con hơn mình? Vấn đề là chính chúng ta đã bị chính bản năng mình lôi đi. Chính cái bản năng tự vệ có trong gene mình vốn để chống lại kẻ thù đó, khi ta thấy người lớn hơn, giàu có hơn, to khỏe hơn, quyền lực hơn, ta tự nhiên có xu hướng phục tùng , còn người nhỏ hơn, yếu thế hơn, ta bắt nạt. Nó là một kiểu di truyền trong gene mà có lẽ, chỉ có khi chúng ta nhận ra chúng ta tiến hóa hơn thì mới có thể kiểm soát được.

Những vết cào năm tháng

Chúng ta cũng mang theo trong mình cả một lịch sử dài – lịch sử cũng từng bị cha mẹ mình đàn áp. Cái lịch sử mà những ngày thơ dại ai đó nói với mình: “Em thèm một lời khen từ cha má em, mà đổi lại chỉ là “mày học cho mày chứ có cho tao đâu, mày giỏi cho mày chứ nhà này có ăn được gì từ mày đâu?” , hoặc nếu không thì là lời đe dọa ngọt ngào “Con ráng học sau này còn trả hiếu”. Lịch sử đó bao gồm những trận đòn bất chợt, những lời chỉ trích , chê bài, những mỉa mai, những xỉa xói, những ngày dài ngồi ngoài triền đê khóc ấm ức vì thấy cả thế giới không ai yêu thương mình. Và đương nhiên, cả những trận đòn trút giận khi bạn làm sai hoặc khi bị nghi ngờ làm sai điều gì.

Tôi từng nghe rất rất nhiều những câu chuyện như thế , và tôi ngộ ra rằng, hầu như người đánh trẻ đều có một đặc điểm chung, đó là họ không thể kiểm soát cảm xúc, họ không biết phải làm gì, không có giải pháp, phương pháp… Ta để mặc cho cảm xúc và bản năng kéo ta đi mà thôi. Nếu ta hiểu rằng, đánh con không thể tạo ra một đứa trẻ tốt, ngược lại, chỉ có thể tạo ra một đứa trẻ thực sự ngỗ nghịch trong gia đình, hoặc đã có những đứa trẻ lớp 9 đã bắt đầu rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, mất năng lực học tập, giảm trí nhớ, suy kiệt… và ám ảnh về việc học, đến nỗi sau khi học xong đại học xong thì cũng là lúc tự vẫn, cũng có những đứa trẻ không thể đi làm vì không còn chịu nổi áp lực nữa.

Đứa trẻ, hay chính bạn nữa, khi bị tổn thương bởi chính cha mẹ mình, vốn không thề kêu tiếng nào cả, cũng không thể cãi, bởi đạo đức xã hội sẽ cho là hỗn hào, những uất ức lắng nghẹn lại, những tủi hờn ứ lại, đứa trẻ không thể phản kháng dẫn đến dồn tích sự căm phẫn, lâu dần, đứa trẻ tin rằng nó không hề được yêu thương, nó tin rằng mình tồi tệ, nó tự ti vì cho rằng chính mình mới là nguyên nhân gây ra mọi nỗi đau cho bố mẹ mình.

Nỗi khổ của cha mẹ

Tôi đã từng thấy rất nhiều bậc cha mẹ luôn đổ tội cho con” vì mày mà tao phải ở với thằng cha mày”, sao chị ấy không nói rằng: “ vì tôi không đủ khả năng sống cho chính tôi, tôi sợ phải bước ra khỏi mối quan hệ độc hại đó nên tôi phải tìm cớ vin vào con để được ở lại chịu đựng, chính tôi còn khinh chính mình”. Chị không đủ sự can đảm đó mà thôi. Nói cho cùng, tôi hiểu chứ, khi bạn đẩy hết nỗi khổ của mình cho con, là vì BẠN RẤT KHỔ, là vì vết hằn trong quá khứ của bạn quá lớn. Vì bạn cũng có những vết thương mãi chẳng thể lành.

CHẢ CÓ NGƯỜI HẠNH PHÚC NÀO MUỐN NGƯỜI KHÁC ĐAU KHỔ CẢ, VÀ THƯƠNG THAY, NGƯỢC LẠI, NGƯỜI LÀM BẠN ĐAU KHỔ CHẮC HẲN CŨNG PHẢI RẤT ĐAU KHỔ.

Chúng ta chỉ là đừng tiếp tục gây thêm nỗi đau cho nhau nữa. Cái chúng ta cần làm ở đây là CHỮA LÀNH CHO CHÍNH MÌNH, THA THỨ CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH.

Catherine Yến Phạm

Phần 3: Cha mẹ bạo lực, con lãnh đủ – Chữa lành cho chính mình

Phần 1: Cha mẹ bạo lực, con lãnh đủ – Hậu quả của những trận đòn

About The Author