Cha mẹ bạo lực, con lãnh đủ

Tôi thường nhận được tâm sự của nhiều người mẹ về việc: em rất hối hận, em lỡ tay đánh con, em không kiềm chế được… Hoặc thi thoảng có những đứa trẻ đã 14 15 tuổi kể trong nước mắt bằng mình đã thành công cụ trút giận của cha mẹ ra sao khi cha mẹ không hài lòng. Hầu hết các em cũng không có khả năng yêu thương chính bản thân mình.

Hậu quả của những trận đòn

Cách đây 5 năm, tôi nhớ hầu hết việc đánh con còn được “ủng hộ”, có nghĩa là đối với nhiều người, đánh con là một cách dạy, đánh …cho nó nhớ mà chừa. Cách dạy đó người ta áp dụng nhiều trong …chương trình huấn luyện thú, tuy vậy cũng có nhiều con thú quay lại cắn chủ của nó.

May thay, trong 10 năm tới, tôi tin tình trạng này sẽ kết thúc, phần là vì chúng ta ý thức được nhiều hơn việc đánh con là “có hại nhiều hơn có lợi”, phần vì bản thân chúng ta cũng sẽ ít áp lực về tài chính hơn, khi xã hội trở nên giàu có hơn.

Đầu tiên, tôi muốn chia sẻ nhiều hơn một chút về tác hại của việc đánh con, sau đó tôi sẽ đưa ra nguyên nhân và giải pháp.

Thứ nhất, ở tuổi mầm non, khi đứa trẻ bị đánh, có khi con sẽ quên trận đòn đó, nhưng nó hằn sâu trong tiềm thức của con cái gọi là “không được yêu”. Đứa trẻ lớn lên trong sự “hà khắc quá mức này” dễ trở thành một bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn nhân cách, đặc biệt là rối loạn nhân cách tránh né ( Avoidant personality disorder), là một dấu ấn không phai về việc bản thân bị phủ nhận sâu sắc.

Những trận đòn thường được trải ra trong cơn nóng giận của những người có ý nghĩa nhất đối với trẻ, chắc chắn đó là cha mẹ hoặc thầy cô (nhất là giáo viên mầm non)  mà chính cơn nóng giận không kiểm soát này đã gây ra sự rối loạn về nhân cách cho trẻ, biểu hiện của người trưởng thành là nỗi sợ hãi quá mức với mọi việc, tránh né vấn đề không dám đối diện, rất sợ người khác chỉ trích, thậm chí nhạy cảm với lời mỉa mai hay nói xéo, nổi giận hoặc quá đau khổ khi bị nói xấu, hoặc tệ hơn, là xa lánh xã hội và đặc điểm chung là dù biểu hiện bên ngoài thế nào thì bên trong là một con người vô cùng tự ti về bản thân.

Ở lứa tuổi lớn hơn , con có biểu hiện lì lợm hoặc lầm lì ít nói, rất dễ tổn thương và thiếu tự tin. Nếu ở giai đoạn 7 đến 14 tuổi bạn đánh con, đứa trẻ sẽ rất mặc cảm về bản thân, dẫn đến chứng rối loạn nhân cách trầm trọng hơn. Đứa trẻ hoặc trở thành người tự ti, hoang tưởng hoặc coi thường bản thân, thiếu khả năng nhạy cảm trong giao tiếp, thích chỉ trích người khác nhưng lại sợ bị chỉ trích. Hình ảnh bản thân bị xâm hại nghiêm trọng.

Đó là chưa kể đến việc suy giảm hệ miễn dịch ảnh hưởng đến sức khỏe và đề kháng của con, qua tầng tầng lớp của oán hận và sợ hãi chất chồng.Bạn tưởng tượng cơ thể chúng ta luôn có cơ chế phòng ngự và bảo vệ, khi bị tấn công sẽ đánh lại nếu thấy có thể, hoặc chạy đi nếu thấy không thể đối đầu. Nhưng với một “con gấu” to lớn mang tên “cha mẹ”” thầy cô”, cơ thể chúng ta không biết phải làm gì, đánh không được chạy không xong. Nó chỉ có thể sợ hãi và căng thẳng, chỉ mong có một phép màu nào đó xuất hiện để cứu mình, nhưng không, trận đòn đó vẫn được trút lên. Cơ thể một khi quá căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu, các bệnh lý từ những biểu hiện nhỏ trong cơ chế “đánh hay chạy” là đổ mồ hôi, khó tiêu, khó thở hay đau nhức sẽ chuyển thành đau bao tử, đau tim…căng thẳng có thể góp phần gây ra các vấn đề như đau đầu, đau nửa đầu nguyên phát ( migraine), huyết áp cao, các vấn đề về tim, tiểu đường, tình trạng da, hen suyễn, viêm khớp, trầm cảm và lo lắng khi lớn lên.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Yale, căng thẳng mãn tính dẫn đến mất kết nối tiếp hợp giữa các tế bào não, có thể dẫn đến giảm khối lượng não ở vỏ não trước trán, gây ra chứng học mãi không vào nơi trẻ, thậm chí là không có nhiều khả năng phân tích, tổng hợp, mất đi một lượng dopamine lớn ảnh hưởng đến việc thích học tập, thậm chí sợ học, chỉ thích giải trí, và đặc biệt là chứng suy giảm trí nhớ.

Catherine Yến Phạm

Trích ” Đừng để nóng giận kiểm soát bạn” – Catherine Yến Phạm

About The Author