Cho con càng nhiều giới hạn, con càng tự do

Con người quan trọng nhất là học hỏi để trưởng thành. Đứa trẻ sinh ra từ giây phút đầu tiên đã phải học hỏi để trưởng thành. Viện lý do “con còn bé” để làm hết cho con là ngăn cản khả năng trưởng thành và phát triển của con.

Nhưng phụ huynh sẽ lúng túng với việc : vậy ngộ nhỡ con không biết, làm sai, tổn thương mình, gây họa… thì sao?

Con cần được “sai”

Rất nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng “lụy con”, có nghĩa là làm hết cho con, đưa con cái trở thành một thứ “đồ vật trưng bày” hết sức nâng niu,  sợ vỡ. Vì thế mà ta nghe cái câu “coi chừng con”, hay “thôi để đó bà/ ba/ mẹ… làm cho” khá nhiều. Ở các trường mầm non thông thường các cô “chăm trẻ” bằng cách.. làm hết cho con. Tác phong càng nhanh càng tốt. Càng công nghiệp càng tốt. Khiến bọn trẻ thật sự trở thành lũ gà công nghiệp.

Thực tế, đến khi bạn lớn “già đầu ” rồi bạn vẫn làm sai, vẫn “gây họa” đó thôi. Chỉ có điều mức độ và cường độ có khác. Chúng ta hàng ngày vẫn tổn thương nhau bằng lời nói hành vi, vẫn tổn thương chính cơ thể mình bằng thực phẩm linh tinh,  ăn chơi nhậu nhẹt… Tất cả những điều đó nếu không được trải nghiệm ở tuổi ấu thơ sẽ trở thành thói quen lúc trưởng thành. 

Vậy để cho con được làm.

Tôn trọng tự do ý chí người khác là thứ con người rất cần phải học. Tôn trọng khả năng phát triển của từng người và giúp họ phát triển đúng theo nhu cầu của họ chính là cái quan trọng nhất của giáo dục.  Với đứa trẻ TÔN TRỌNG TỰ DO TUYỆT ĐỐI có nghĩa là chấp nhận quá trình học hỏi của con. Tuyệt nhiên không phá hoại quá trình đó bằng cách giúp con. Cũng tuyệt nhiên KHÔNG ÉP con làm thứ con chưa sẵn sàng.

Khi con muốn làm , dù đúng dù sai, hãy để con trải nghiệm nguyên nhân kết quả của nó.

“Never help a child with a task at which he feels he can succeed “

– Maria Montessori

Bớt can thiệp và cho con trải nghiệm quy luật nhân – quả

Bạn tuyệt đối KHÔNG PHẠT. Bất kỳ hình phạt nào cũng vô nghĩa,  dù là úp mặt vào tường hay khẽ tay… Nó chỉ làm đứa trẻ mất kết nối với nguyên nhân kết quả mà thôi. Ngược lại, bạn nên giải thích kết quả sẽ ra sao với con. Và cho con trải nghiệm nó.

Như cái việc con không ăn để trải nghiệm cơn đói. Bạn sợ con đói đến mức chỉ cần con bỏ bữa là bạn bù sữa,  bù bánh, bù trái cây… đứa trẻ học được nhân quả rằng : tôi đừng ăn gì sẽ được ăn thứ tôi thích.

Bạn can thiệp quá sâu vào tự do ý chí của con , bạn sợ giúp con, dù bạn “lớn hơn” và trải nghiệm hậu quả đó rồi, thì con cũng cần được trải nghiệm để trưởng thành.  Vậy mà bạn tước đi cái quyền trải nghiệm đó. Bạn ép ý chí của bạn vào tự do ý chí của con. Đưa nỗi sợ của bạn vào bắt con sợ giống mình. Cũng tước đi quá trình hiểu nhân quả của con.

Càng nhiều giới hạn, càng tự do

Vậy đặt giới hạn con như thế nào để con thực sự được tự do mà vẫn không “gây họa”?

1. Đặt quy tắc : quy tắc tôn trọng chính mình và người khác rất đơn giản, đó là quy tắc 3 KHÔNG: không tổn thương chính mình, không tổn thương người khác và không tổn thương môi trường xung quanh.

Chỉ cần tuân thủ 3 quy tắc này thì hoàn toàn có thể tự do. 

Đương nhiên khả năng giới hạn của quy tắc từng người khác nhau. Từng văn hóa gia đình là khác nhau, nhưng đừng quá khắt khe.

Ví dụ : con có thể chơi dưới mưa nhưng vào phải tắm lại nước ấm cẩn thận…

Con có thể mở tủ lạnh nhưng mỗi lần mở là 10 giây và cách nhau 10 phút.

2. Kiên định với quy tắc : dù thế nào đi nữa,  hãy kiên trì nhắc nhở, đừng “du di”, du di rồi là sẽ phá vỡ những gì mình dày công đặt ra. Đứa trẻ sẽ dùng ” cả thanh xuân” để ” chống đối” các quy tắc. Hãy chấp nhận nghe con khóc, chấp nhận nhìn con ăn vạ, chấp nhận con… ói , tè…. nhưng kiên trì với quy tắc một cách nhẹ nhàng. Không la mắng. Không tức giận… chỉ ngồi đó nghe con khóc hoặc nhìn con… vật vã chút. Rồi mọi thứ sẽ qua.

3. Khen ngợi : không có đứa trẻ nào ko thích khen ngợi, có điều là phải chính xác, phải thực lòng. Nếu sau khi vật vã con chấp nhận mở tủ lạnh 10 giây. Mỗi lần cách 10 phút thì bạn khen con. Đó rõ ràng là một quá trình rất cố gắng vượt qua cám dỗ bản thân.

4. Đừng nói : đó thấy chưa, mẹ bảo mà ( câu này quen lắm á) khi con làm sai và gặp hậu quả. HÃY BÌNH THẢN VÀ BAO DUNG trước hậu quả của con. Đừng đem cái sai của con đi làm trò cười hoặc chê bai nhiều hơn. Đứa trẻ đã nhận được hậu quả rồi chả phải đã đủ rồi sao?

Vậy đó, cứ như thế đứa trẻ được làm, được sai, có tự do ý chí mà vẫn trong giới hạn an toàn. Vừa biết cách tôn trọng bản thân vừa biết cách tôn trọng người khác và tôn trọng mọi thứ xung quanh. Đó chính là nền tảng của hạnh phúc và tình yêu đích thực .

Yêu thương

Catherine

Bài viết thuộc sỡ hữu của @floweroflight.vn. Vui lòng trích nguồn khi đăng tải lại bài viết.

About The Author