Ở giai đoạn 0-1 tuổi, con bắt đầu xây dựng niềm tin vào cuộc đời. Nếu bạn cho con cảm giác bất an, lớn lên con có thể sẽ là một con người bất an và mất niềm tin vào cuộc đời. Để con trở thành một người can đảm, hãy cho con thật nhiều an toàn trong giai đoạn này!
Nếu trong giai đoạn 0-1 tuổi, ba mẹ cư xử với con chưa đúng dẫn đến con lớn lên thèm khát tình cảm, hoài nghi tình yêu thương hoặc khó kiểm soát cảm xúc. Ba mẹ nên là nơi để con trở về!
Ba mẹ là “đúng” là ba mẹ TỪ BI VÀ NGHIÊM NGHỊ. Từ bi: yêu con vô điều kiện, cho con sự yêu thương nhưng cũng cho con giới hạn. Nghiêm nghị, không phải nghiêm khắc.
- Trẻ bất an khi: Ba mẹ nắng mưa, lúc âu yếm lúc bỏ mặc, lúc ngọt ngào lúc la mắng, làm cho con không hiểu thế nào mới là được yêu thương. Khi lớn lên con luôn hoài nghi về tình yêu, luôn lo sợ không được yêu thương và khó kiểm soát được cảm xúc.
- Trẻ rất bất an khi: Ba mẹ luôn luôn chiều chuộng hoặc luôn luôn la mắng, dẫn đến con bị bỏ mặc cảm xúc và hiểu sai về tình yêu. Những đứa trẻ này lớn lên có thể trở thành người ích kỷ, sẵn sàng “ăn vạ” để có được thứ mình muốn, hoặc luôn chì chiết chửi mắng người khác như tuổi thơ mình đã từng… Đứa trẻ này cũng không đủ nghị lực và kỹ năng để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, thích phụ thuộc vào người khác. Những người đàn ông gia trưởng, bạo lực với vợ con hoặc những người phụ nữ cam chịu, nạn nhân của bạo hành gia đình cũng thường là những đứa trẻ luôn được chiều chuộng hoặc quen bị la mắng.
- Trẻ vô cùng bất an khi: bị bỏ mặc. Trẻ bị bỏ rơi, trẻ trong cô nhi viện, trẻ bị ba mẹ giao phó cho người giúp việc, trẻ bị luyện cry-it-out (bị bỏ mặc cho khóc đến khi tự nín), trẻ bị bỏ mặc cả ngày với ipad, TV mà không được tương tác với ba mẹ sẽ bị hủy hoại hoàn toàn niềm tin của con vào cuộc đời và tổn thương bộ não xã hội vĩnh viễn. Những đứa trẻ này khi lớn lên có thể không quản lý được cảm xúc, luôn thèm khát tình yêu, không bao giờ cảm thấy hạnh phúc, không bao giờ cảm nhận được tình yêu của người khác, thậm chí của chính mình. Những người lụy tình, tự tử vì tình hoặc ngược lại, đa tình, trăng hoa thường có tuổi thơ bị bỏ mặc.
2. Sự phát triển của trẻ từ 0-1 tuổi
+ Con bắt đầu phát triển bộ não xã hội. Giai đoạn này con cần nhất là tương tác với ba mẹ. Bỏ mặc con hoặc chỉ cho con tương tác với máy (điện thoại, máy tính bảng, TV…) là tổn thương vĩnh viễn bộ não xã hội của con.
+ Con phát triển bộ não thăng bằng. Từ một em bé chỉ nằm ngửa, con từ từ biết lật, biết trườn, biết ngồi, biết bò, đứng vững rồi bước đi. Con cần vận động thô càng nhiều càng tốt.
+ Não con chưa có nếp gấp (não phẳng) nên con chưa có bất kỳ kiến thức, kinh nghiệm nào. Mỗi trải nghiệm bạn cho con là hình thành nên một nếp gấp trên não, và tồn tại suốt đời trong tiềm thức.
+ Con chưa phân được đâu là con, đâu là bạn vì thế ba mẹ là tấm gương để trẻ soi vào và học cách đối diện với cuộc sống. Bạn như thế nào thì tính cách, cảm xúc, hành vi của con sẽ phát triển như thế đó.
+ Não con rất mỏng, chưa hoàn thiện để có thể tự vượt qua cảm xúc tiêu cực nên con cần được yêu thương, ôm ấp và đáp ứng mọi nhu cầu. Không được rời bỏ con, không để con một mình, không để con cảm thấy mình bị mất mẹ.
+ Chưa biết ăn vạ, cảm xúc của trẻ đơn thuần chỉ là:
1 – Hạnh phúc, vui vẻ khi được đáp ứng nhu cầu.
2 – Đau khổ, la khóc khi không được đáp ứng nhu cầu
Đáp ứng mọi nhu cầu của con ngay cả khi nhu cầu đó làm bạn khó chịu.
3. Con bám mẹ thì sao? Thì tốt!
Ở giai đoạn 0-1 tuổi, bộ não của con vô cùng mỏng manh, con rất cần tiếng ru và lời yêu thương, hơi ấm và sự âu yếm của mẹ. Lúc này, mẹ bỏ con một chút là con khóc, đó là bản năng tự nhiên và cần có của con.
- Mẹ không nên đi làm trở lại khi con chưa tròn 1 tuổi. Vì đây là giai đoạn cảm xúc của con liên kết với mẹ mạnh mẽ nhất, người gần gũi nhất đối với con chỉ có mẹ. Mẹ nên dành trọn thời gian để ôm ấp, yêu thương, chăm sóc con.
- Hãy chuẩn bị trước tinh thần cho sự vất vả. Người thân và người giúp việc có thể chăm sóc bạn, giúp bạn nấu ăn và làm việc nhà, nhưng không nên là người thay bạn chăm sóc con. Bạn có thể stress và rất mệt mỏi, nhưng sự vất vả hiện tại của bạn sẽ đổi lại cảm giác an toàn cả đời cho con. Cảm giác an toàn này sẽ là ký ức đẹp nằm mãi trong tiềm thức của con, là nền móng của một đứa trẻ hạnh phúc, tự tin và độc lập sau này.
Biểu hiện của đứa trẻ được đủ đầy yêu thương trong 1 năm đầu đời: 1-2 tuổi con có thể yên tâm chơi một mình khi thấy mẹ trong tầm mắt. 2-3 tuổi con có thể tự chơi trong phòng, khi không thấy mẹ, con có thể khóc và đi tìm, nhưng sẽ vui vẻ ngay khi tìm thấy mẹ.
Biểu hiện của đứa trẻ bất an và chưa cảm nhận đủ yêu thương từ mẹ: Đến 2 tuổi, con vẫn khóc rất nhiều khi mẹ chỉ rời đi một lúc và bám không buông khi mẹ quay lại. Nếu một đứa trẻ hoảng loạn khi không thấy mẹ và không thể ngừng sự hoảng loạn ngay cả khi mẹ quay lại nghĩa là con có cảm giác bị bỏ mặc và hình thành sự bất an.