ĐỊNH NGHĨA LẠI THÀNH CÔNG

Hầu như phụ huynh bị ám ảnh bởi 2 từ thành công, thậm chí còn hơn là hai từ “hạnh phúc” cho con. Trường học được quảng cáo là làm cho con bạn thành công, học giỏi, làm nhà lãnh đạo… Hầu như mọi phụ huynh đều mong muốn và khát khao điều này, vì sao?

Có hai lý do rất phổ biến: một là chúng ta thường khát khao điều mình chưa có được, và mong con cái làm được điều đó, thành công , nhất là ở phái nam, là một khao khát tột độ ẩn sâu vào tâm trí, người đàn ông nào cũng muốn thành công y như phụ nữ muốn mình đẹp vậy. Thứ hai, là hiệu ứng đám đông, hầu như mọi người ít ai chịu dừng một nhịp mà chúng ta ào ào hùa theo đám đông. Đám đông ngoài kia thì điên cuồng khát khao kiếm tiền, khát khao chiếm lĩnh một vị trí nào đó của xã hội. Mình cũng thế, nhà lầu, xe hơi, công việc nghìn đô… là một biểu tượng của thành công.

Có bao giờ ta dừng lại một nhịp để thấy rằng, có rất nhiều định nghĩa về thành công không? SỨC KHỎE, HỌC VẤN, GIA ĐÌNH, TIỀN BẠC , DANH DỰ… vân vân mây mây… Chỉ cần một thứ rơi xuống thì thành công cũng tự rơi xuống. Mà bất kỳ thứ gì cũng dễ rơi. Tôi có quen một gia đình rất hà khắc với con cái, ông bố là người ám ảnh thành công, ông ta không giàu có gì, nhưng lại thể hiện mình giàu, ông là một tiến sĩ, con ông ta phải tiến sĩ hết. Khổ thay con bé lại muốn thành ca sĩ. Thế là nhà ông chim bay chó nhảy, vợ ông thì bị sự áp đặt của ông mà từ ngày sống bên ông không có một ngày hạnh phúc, nhưng bà không dám ly hôn vì cũng sợ làng xóm dị nghị. Thành công như cái áo bên ngoài, nóng cũng ráng mặc vào, cởi 1 lớp thôi cũng không được. Khổ nỗi cuối cùng ông bị ung thư, thế là mọi thứ tiêu tan hết, ông lại nhận ra có sức khỏe là có tất cả…

Cuộc đời ông ấy, cuối cùng sống vì ai, vì cái gì, vì chính mình hay vì cái vỏ bọc của sự thành công như tấm áo người ta nhìn vào. Rốt cuộc cũng chỉ là sự thất bại, như một người chạy theo năm chú thỏ, vớt con này rơi con khác, cuối cùng chỉ là tay trắng đi về, uổng một kiếp người.

Lại có người đàn bà tôi quen, chị là mẹ đơn thân những 5 đứa con, tự nhận mình thất bại trong hôn nhân, nhưng chị toàn tâm toàn ý nuôi 5 đứa con này , chị lập hội phụ nữ dệt may, đi học thêm bên Liên Xô, rồi Trung Quốc, chị lập xưởng giúp cho các chị em trong tỉnh có thêm thu nhập, chính chị cũng nuôi được con, và đến mãi năm 50, chị kết hôn với một anh chàng nước ngoài nhỏ tuổi hơn, nhưng yêu thầm chị rất lâu. Cuộc sống chị vừa viên mãn, vừa thành công.

Vậy hai người ở trên khác nhau điều gì? Đó là cách họ tìm ý nghĩa cuộc đời mình, một người không chấp nhận mình không hoàn hảo, thật ra, một người tự cho mình bất toàn. Một người sống vì khen chê xã hội, người chỉ sống vì mình, nhưng bù lại, người sống để xã hội nhìn vào lại rất ích kỷ, còn người sống vì chính mình phải hài lòng về mình thì lại rất cho đi và có trái tim nồng nàn. Người thành công thường rất hiểu mình, hiều điểm yếu của mình. Người càng không chấp nhận mình không hoàn hảo là càng không yêu thương bản thân, họ ám ảnh về bản thân, ám ảnh từ thuở thiếu thời rằng mình phải thành công, có ba dạng PH làm nên sự ám ảnh này:

Một là phụ huynh lấy con ra làm vinh quang, đi đâu cũng khoe con, làm gì cũng nói con mình là nhất, rồi đứa trẻ sống trong ánh hào quang đó làm sao dám sai sót nữa? Dạng trẻ này lớn lên nếu gặp thất bại sẽ không đủ can đảm đứng lên nữa.

Thứ hai, là dạng PH áp đặt và mong cầu con , họ khát khao con giỏi, so sánh con với người khác, thậm chí nếu không được như ý họ sẵn sàng chà đạp con họ, trách móc chì chiết con họ, với họ, con họ chỉ có thể thành công không thể thất bại, họ không thề chấp nhận bất kỳ thất bại nào của đứa trẻ , hầu như mọi họ chửi con ở nhà nhưng khen con ở bên ngoài để thể hiện bản thân cũng dạy con giỏi. Đứa trẻ tội nghiệp luôn phải làm hài lòng họ, hoặc phải luôn che giấu thất bại trước họ, nó hình thành sự tự ti ngầm và khát khao chứng minh bản thân đến vô vọng, dạng người lớn lớn lên từ trẻ con này vô cùng háo danh, cũng rất dễ bị tư ti, nhưng lại hết sức che giấu thất bại của mình. Họ rất bề ngoài, hay thể hiện, nhưng bên trong lại tự ti.

Thứ ba là dạng PH thương con nhưng chưa bao giờ khen ngợi, âu yếm. Họ cho rằng “thương cho roi cho vọt”, họ bị tẩy não rằng không được âu yếm trẻ, khen ngợi, nếu không nó hư, phải hà khắc, nghiêm khắc nó mới nên người. Đứa trẻ đó khát khao cha mẹ khen mình một lần, nhận lại chỉ là sự ngầm ngầm đồng ý của cha mẹ, thậm chí còn dìm xuống, nếu hài lòng thì nói kiểu ” mày ráng đi, mày học cho mày chứ có cho tao đâu”. Thật ra dạng trẻ này đỡ nhất so với hai dạng trên, nhưng họ cũng không có động lực để thành công.

Chỉ có một dạng trẻ thực sự thành công, đó là trẻ có cha mẹ thành thật, họ vui khi con thành công, họ nói ” cha mẹ tự hào về con”, nhưng tuyệt nhiên không so sánh con mình trước mặt ai, trước mặt đứa trẻ khác, họ khen ngợi cả hai, họ không bao giờ dìm đứa trẻ khác trước con hay ngược lại. Cũng không tâng bốc con. Họ cho con họ thử nghiệm, và nếu con sợ , họ nói : con thử đi, không sao. Nếu con thất bại, họ vui mừng bảo : “Đây, tuyệt quá, con lại có cơ hội tiến bộ rồi.” Thành công hay thất bại với họ và con, là như nhau, nó là một vòng tròn tiếp nối thất bại rồi thành công rồi thành công, rồi thất bại. Họ hiểu sâu sắc rằng, thế giới này không được thiết kế để chúng ta làm là thắng, mà là để chúng ta học hỏi để trưởng thành, khó khăn là tất yếu, cẩn trọng và bền bỉ, không kiêu không nản, giữ tâm thái bình tĩnh và thận trọng, không thể hiện quá, nhưng kiên định và quyết tâm trong sự bình tĩnh và tin tưởng, đó chính là tâm thái của người thành công. Kiểu PH này rất tin tưởng con, nhưng cũng hiểu con mình sẽ luôn thất bại và sẵn sàng cùng con đi những chặng đường chông gai nhất bằng tâm thế bình tĩnh, vui vẻ đón nhậ, học hỏi , rút kinh nghiệm và đặc biệt, mọi thứ diễn ra trong an lành.

Người thành công thường vững chãi, thường ít thể hiện, họ lẳng lặng làm, họ biết thất bại hay thất vọng là chuyện bình thường, họ hiểu trong tình yêu, trong sự nghiệp, trong đời sống là vô vàn sự thử thách, họ từ từ đi, vững chãi đi. Họ luôn ý thức mọi bước đi đều phải cân bằng. Một người có thể thành công tài chính nhưng thất bại trong hôn nhân, có thể thành công trong gia đình nhưng không giàu có. Định nghĩa thành công chính là SỰ HÀI LÒNG VỀ BẢN THÂN, và sự tự thân hài lòng đó không có cấp độ cao thấp, nó là sự tổng hòa của HẠNH PHÚC, HÀI LÒNG, CHẤP NHẬN MÌNH BẤT TOÀN, BIẾT Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI MÌNH, BIẾT ĐỦ, BIẾT NỖ LỰC VÀ SẺ CHIA.

Sống một cuộc đời có ý nghĩa khi mỗi buổi sáng ta thức dậy mà háo hức thức dậy để đi làm, để sống, để yêu thương , để nỗ lực trên hành trình của mình thêm một ngày, đó là một thành công lớn.

Làm sao cho đứa trẻ có thứ thành công này? Trước khi dạy chúng “giỏi để kiếm tiền , có công việc tốt ” ( nó cũng chỉ là một phần rất nhỏ của thành công), thì hãy dạy trẻ yêu cuộc đời này đã qua việc trẻ được yêu, được hiểu, được chấp nhận mà không bị nhào nặn bằng ý chí người khác. Trẻ hiều bản thân mình, chấp nhận chính mình, sau đó phấn đấu mỗi ngày để mỗi ngày một chút vượt qua giới hạn chính mình. Được nhìn nhận và biết nhìn chận chính mình đúng đắn, không khoa trương khoe khoang, cũng không đánh giá thấp, chỉ là nhìn mình bằng một con mắt trìu mến bao dung, không phán xét.
Khi trẻ học được rằng, tình yêu không chỉ là đối với chính mình, với mọi người, mà còn là mọi thứ xung quanh , là mẹ thiên nhiên, là sự biết ơn với trái đất này, đứa trẻ thậm chí ý thức tự ăn chay, hoặc tự kỷ luật để không tổn hại ai, đứa trẻ học cách yêu thương bảo vệ mọi người, muôn loài và cả chính mình. Những thành công sau này trong đời con luôn là vì nhân loại và con cũng sẽ được nhận trái ngọt từ tình yêu và sự vững chãi của mình.

Mọi kỹ năng đều được xây dựng trên niềm tin, có niềm tin vững vàng, có định vị rõ ràng mình là ai , mình muốn gì, con sẽ tự biết mình phải học gì, động lực từ đó mà có chả cần phải ép uổng gì cả, khát khao càng lớn thì động lực càng lớn, nó đến như một đóa hoa đến mùa là nở. Ta chỉ cần hiểu loài hoa đó cần gì, bón chút phân, tưới đủ nước là hoa nở mà thôi.

Và thành công của đứa trẻ đó cũng vậy, như đóa hoa ngát hương thơm, đến kỳ là tự nở mà thôi.

Thành công không phải bạn phải có tất cả trong đời, mà là hạnh phúc với những gì mình đang có.

Trích sách GIÁO DỤC LÀ TÌNH YÊU

Yêu thương
Catherine yến Pham

About The Author