Sinh con để làm gì?

Tôi có một hội bạn, lâu lâu gặp nhau nói chuyện phiếm, hay nói đề tài con cái. Chơi với nhau từ thuở đi học, đề tài cũng chuyển từ yêu đương sang làm việc, sang con cái. nhưng trong hội có mấy cô bạn chưa có chồng, cũng có mấy cô bạn có chồng rồi nhưng thích chu du thế giới, không thích vướng bận chuyện con cái. Hôm nọ ngồi nghe hai cô gái nói chuyện có sinh con hay không mà cãi nhau mặt đỏ tía tai, tự nhiên tôi cũng tự hỏi mình một câu, sinh con để làm gì?

Mà thật nghe hai cô nàng lấy các thể loại lý do như : sinh con để duy trì nòi giống ( không có sai, nhưng dân số bây giờ không cần được duy trì lắm nữa rồi, khó tuyệt chủng lắm), đến việc sợ hai vợ chồng thôi thì buồn ( cô kia phản bác lại làm gì có chuyện đó, hai vợ chồng yêu thương nhau lắm mà thế giới đã có hàng triệu cặp vợ chồng vậy rồi, tỷ lệ ly hôn còn thấp hơn là có con rồi ly hôn) , rồi đến việc con là để sau này già nuôi lại mình ( cái này đến đây chính tôi cũng còn muốn phản bác), và vân vân mây mây nhiều thứ khác nữa…

Nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc đến việc, liệu chúng ta giúp gì được cho đứa trẻ khi nó sinh ra, liệu ý nghĩa của việc sinh ra một đứa trẻ chỉ vẻn vẹn phục vụ cho lợi ích của chúng ta sao? Chúng ta , trong mọi mối quan hệ, thường hay đầu tiên nghĩ về lợi ích của chính mình, điều đó không hề sai, nhưng nó không là tất cả. Có một câu tôi rất tâm đắc, con người được sinh ra là để yêu thương, vật chất sinh ra là để lợi dụng. Nhưng con người làm ngược lại, yêu thương vật chất và lợi dụng con người.

Trong mọi mối quan hệ của cuộc đời, điều làm chúng ta mãi mãi còn ở bên nhau chính là niềm vui trong tình yêu và sự đồng trưởng thành. Khi hai con người gặp nhau, đâu đó trong vũ trụ đã sắp xếp sự trưởng thành cho cả hai. Đó là trong mọi mối quan hệ, không chỉ là mối quan hệ cha- mẹ- con. Tất cả chúng ta, khi đến với thế giới này, đều là để yêu thương và được yêu thương, và trong tình yêu thương đó, chúng ta học cách trưởng thành.

Mục đích tối thượng của linh hồn là đến với thế giới này để tìm kiếm chính mình lần nữa qua những cảm thọ của nhân loại, rồi từ đó, trưởng thành thành một linh hồn tốt đẹp hơn với trước khi nó được sinh ra. Nhưng đứa trẻ đến bên chúng ta, cũng không thoát quy luật này, mỗi đứa trẻ khi xuống thế giới này đều là một linh hồn tìm kiếm một không gian để trưởng thành. Và chúng ta hữu duyên gặp nhau là để cùng trưởng thành.

Đứa trẻ chọn bạn và bạn chọn con, trong luật hấp dẫn của vũ trụ, không có sự chọn lựa nào là vô nghĩa. Tất cả đều có những mối dây liên kết chặt chẽ. Chúng ta tìm nhau là để cùng học hỏi, cùng trưởng thành, vấn đề là chúng ta có nhận lấy thử thách này hay không hay luôn từ chối sự trưởng thành. Trong mọi mối quan hệ, sự trưởng thành phải là bình đẳng, không có chuyện cha mẹ không trưởng thành mà dạy con, cũng chẳng có chuyện đứa trẻ mãi không lớn lên.

Khi đứa trẻ ăn vạ, con khát khao tìm hiểu quy luật đời sống này mà cha mẹ chỉ loay hoay tìm cách cho con nín. Có nghĩa là ta đã bỏ qua nhu cầu học hỏi để trưởng thành của đứa trẻ. Thay vì cha mẹ phải là người đưa con đi qua những cảm xúc tiêu cực, mất mát, học cách buông bỏ để trưởng thành, cha mẹ cũng phải học cách kiên định và nhẫn nại, hiểu quá trình phát triển của con, cha mẹ lại nóng vội, sợ con khóc, loay hoay dỗ, giải thích… Kết quả là cả hai đều mệt mỏi vì chả ai thành công trong việc cùng nhau trưởng thành.

Nuôi con , nếu ta nhìn kỹ, là một hành trình tiến hóa rất lớn của phụ huynh. Bởi chỉ có phụ huynh trưởng thành mới có đứa con hạnh phúc và thành công, mới có mối quan hệ tốt đẹp với con, mới có tình yêu hiện hữu đẹp đẽ trong gia đình. Ngược lại, người phụ huynh từ chối trưởng thành sẽ là là người phụ huynh thiếu bản lĩnh với con, thiếu sự dẫn dắt mà thừa mứa sự áp đặt, dẫn đến biết bao hệ lụy đau thương: cha mẹ mất kết nối với con, con ngỗ nghịch, quá hung hăng hay quá nhút nhát, thậm chí dẫn đến việc cha mẹ không còn kết nối được nữa với con cái trong yêu thương, mà chỉ còn là sự kết nối của trách nhiệm.

Khi chúng ta làm sai hết quá trình nuôi dạy con, chúng ta loay hoay chẳng biết làm sao để cho con ngoan nữa, bởi thay vì dưỡng nuôi từng giá trị từ bên trong, chúng ta chỉ biết áp đặt nó từ bên ngoài. Ta ép con phải hiếu thảo, nhưng thực chất lòng tự trọng của con thì ta chà đạp, sự tự tin của con thì ta coi thường, ta không nhìn nhận con mà mong con nhìn nhận mình, không tôn trọng con mà mong con tôn trọng mình, rồi mình ép hết những lý thuyết như lòng tự trọng, sự tự tin, hiếu thào, lễ phép vào người con. Như vận một cái áo thật đẹp mà bên trong thì trống rỗng vậy.

Có bao giờ bạn tự hỏi: mình đang làm gì vậy không? Đứa trẻ chỉ có thể hạnh phúc và thành công khi có một gia đình kết nối, yêu thương, tôn trọng, dịu dàng, khi có tấm gương đẹp là cha mẹ, khi có tình thương và làm gương. Khi tấm gương đó phế thải, thì ta cũng chỉ có thể có một đứa trẻ mà trong mắt ta là phế thải mà thôi. Khi ta có một tấm gương sứt mẻ và thảm hại, ta cũng có một mối quan hệ sứt mẻ và thảm hại với con. Chúng ta thực chất không có một đứa trẻ hư, mà đứa trẻ mà ta cho là “hư” đó chỉ phản ánh một mối quan hệ thảm hại và sứt mẻ với cha mẹ chúng.

Nói đến đây tự nhiên tôi nhớ đến hai cô bạn mình, tôi chợt hỏi :

– Thế nếu như con mày hư, chửi cha mẹ, lêu lổng, dốt nát thì mày có được nhờ không. Tháng ngày vui vẻ khi con còn nhỏ sẽ qua, khi đứa trẻ lớn lên, nó hư hỏng, không nghe lời, vợ chồng mày có vui không?

Cô bạn nói:

– Tao phải nuôi dạy nó đàng hoàng chứ. Con tao không thể như thế được

– Thế mày có biết như thế nào là đàng hoàng không?

Cô bạn tôi im lặng một lát, không trả lời nữa. Tôi cũng im lặng, hai tiếng đàng hoàng ấy thật ra là cả một sở học vô biên. Không thể nói bằng hai ba câu lời.

Chúng tôi lặng lẽ chào nhau về, tôi tự nghĩ rằng: chúng ta hoàn toàn có thể chọn có con hoặc không có con, chọn thông qua con để trưởng thành hoặc thông qua công việc, sở thích, thú vui hay cả tình yêu đôi lứa mà trưởng thành. Miễn sao chúng ta phải vui, vì có con, con là niềm vui thì ta mới có động lực mà phát triển, yêu là niềm vui thì ta mới hết lòng gìn giữ, làm việc mình thích thì ta mới hết lòng mà nghiên cứu học hỏi ngày đêm. Đứa trẻ ta sinh ra, trước hết hãy là niềm vui của ta, từ đó, nhờ con , ta học hỏi để trưởng thành. Sự vững chãi và trưởng thành của cha mẹ cũng chính là phúc phận của đời con.

Và vì thế, sinh con thực sự là một biểu hiện của một người đã, đang và sẽ mãi mãi trưởng thành. Trẻ em, chẳng phải vì thế chính là một món quà của thượng đế từ thiên đường đó sao? Con chính là thiên thần nhỏ đang đến thế giới này để học cách trưởng thành, và cha mẹ, theo một cách nào đó, muốn nâng đỡ một thiên thần thì chẳng phải cũng phải chính là những thiên thần đang trong giai đoạn trưởng thành đó sao?

Yêu thương

Catherine

About The Author